Các web link Thursday, Apr 26 2007 

http://www.thtndc.org/

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam

http://www.voanews.com/vietnamese/vietnam-news.cfm

Đại sứ Mỹ ‘lo ngại’ về nhân quyền VN Wednesday, Apr 25 2007 

Đại sứ Mỹ ‘lo ngại’ về nhân quyền VN

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Michael Marine
Ông Marine nói Việt Nam nên thả tự do cho những người bất đồng chính kiến

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Michael Marine, lại mới lên tiếng tuyên bố rằng việc chính quyền Việt Nam mạnh tay đàn áp những người bất đồng chính kiến là một điều “đáng quan ngại”.

Ông Michael Marine nói như vậy sau khi giới chức an ninh Việt Nam lần thứ hai trong cùng một tháng ra tay ngăn chặn vợ của những người bất đồng chính kiến tới dự một buổi tiệc trà do đích thân ông mời.

Đại sứ Hoa Kỳ, người mới đây kêu gọi chính quyền Cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ, nói với các phóng viên rằng chỉ một trong số năm người được mời tới dự tiệc trà ở nhà ông hôm thứ Hai vừa rồi là đến được.

Ông cho các phóng viên tại Hà Nội biết: “Những người khác bị ngăn không cho tham dự bằng cách hoặc được mời đến đồn cảnh sát, hoặc cảnh sát bố trí ở bên ngoài tìm cách ngăn không cho họ tới nơi”.

Vị đại sứ Mỹ cho biết các vụ bắt giữ người bất đồng chính kiến thời gian qua ở Việt Nam đã được đưa ra thảo luận trong Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt ở Washington ngày 24.04.

Phái đoàn Việt Nam dự Đối thoại do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình dẫn đầu.

Ông Marine bày tỏ lo ngại: “Cuộc đối thoại của chúng tôi tập trung phần lớn vào tình hình ngày càng xấu đi này”.

Ông cho biết thêm rằng vấn đề này trên thực tế đáng lo ngại tới mức nó khiến ông cùng khách mời không thể nào tập trung nói chuyện về các vấn đề nào khác ngoài chuyện an ninh Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Giới chức mạnh tay

Người duy nhất tới tham dự được buổi tiệc trà của ông đại sứ Mỹ vào hôm thứ Hai là bà Bùi Thị Kim Ngân, vợ nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người vẫn đang bị giam giữ vì viết các bài lên án chính quyền Hà Nội.

Gia đình bác sĩ Phạm Hồng Sơn

Bà Vũ Thúy Hà, vợ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn – người mới được trả tự do nhưng đang bị quản thúc tại gia vì đã dịch và truyền bá bài “Dân chủ là gì” trên trang web đại sứ quán Mỹ ra tiếng Việt – cho đài BBC biết bà không tham dự được buổi tiệc trà vì bị hai thanh niên đâm vào xe trên đường tới đại sứ quán Mỹ.

Sau đó bà phải vào đồn công an phường Tràng Tiền để trình báo, trong khi hai thanh niên đâm vào bà – mà bà cho là nhân viên an ninh – được cho đi một cách dễ dàng.

Cách đây ba tuần, trong buổi tiệc trà đầu tiên không thành, ông Michael Marine nói cảnh sát đã ra tay ngăn chặn, không cho vợ của những người bất đồng chính kiến được vào dinh thự của ông.

Chính quyền Hà Nội bác bỏ những cáo buộc về chuyện họ đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Các tổ chức nhân quyền nói chiến dịch đàn áp này được bắt đầu ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO.

Ân Xá Quốc tế cho biết họ đã ghi nhận 20 vụ bắt giữ kể từ tháng 11 năm ngoái. Vụ mới nhất là vụ bắt giữ nhà văn bất đồng chính kiến Trần Khải Thanh Thủy hôm 21 tháng Tư vừa rồi.

Hồi tháng Ba vừa qua, Hoa Kỳ ra báo cáo thường niên đánh giá chung tình hình nhân quyền 2006 viết:” Thành tích nhân quyền của chính phủ Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu.”

Ngay sau đó, phát ngôn nhân của Chính phủ Việt Nam, ông Lê Dũng, trong thông cáo gửi tới báo chí nước ngoài, tuyên bố: “Nhà nước Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.”

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị bắt tại Hà Nội Wednesday, Apr 25 2007 

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị bắt tại Hà Nội
23/04/2007

Tran Khai Thanh Thuy
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy

Nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt một nhà văn chống đối và lên lịch xét xử hai nhân vật bất đồng chính kiến bị cáo buộc là phát tán tài liệu tuyên truyền chống chính phủ. Thông tấn xã AP thuật lại tin của các cơ quan truyền thông nhà nước là phát tán tài liệu tuyên truyền chống chính phủ. Thông tấn xã AP thuật lại tin của các cơ quan truyền thông nhà nước và các giới chức Việt Nam cho biết như thế hôm thứ hai.

Một giới chức tòa án nhân dân Hà Nội không được phép nêu danh tính nói rằng hai luật sư tranh đấu cho nhân quyền là Nguyễn Văn Đài, 38 tuổi, và Lê Thị Công Nhân, 28 tuổi, sẽ bị đưa ra tòa vào ngày 11 tháng tới.

Trong khi đó, báo chí nhà nước hôm thứ hai loan tin công an Hà Nội đã bắt giữ bà Trần Khải Thanh Thủy, 47 tuổi, một nhà văn và nhà báo.

Bà Thủy vừa được tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York vinh danh và trao tặng một trong các giải thưởng Hellman/Hammett dành cho các nhà văn chống đối đã chứng tỏ sự can đảm trước sự ngược đãi của chính quyền.

Nhà chức trách cáo buộc bà Thủy là vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự Việt Nam, ngăn cấm phát tán thông tin có hại cho nhà nước.

Công an cho biết bà Thủy là một thành viên của khối 8406, một tổ chức ủng hộ dân chủ đã lưu hành nhiều bài khiếu tố về nhân quyền. Công an cũng cáo buộc bà là tổ chức một công đoàn độc lập và ủng hộ một ủy ban nhân quyền gồm các nhân vật chống đôái nhà nước.

Chính phủ cộng sản Việt Nam không dung dưỡng những ai chống lại chế độ độc đảng, và mới đây đã tiến hành một cuộc trấn át các thành phần đối kháng.

Nguyen van Dai and Nguyen thi cong nhan
Luật sư Nguyễn Văn Ðài (phải) và Nguyễn Thị Công Nhân sẽ bị đưa  ra xử vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”

Luật sư Đài và Nhân, đã bị bắt hôm 6 tháng 3 và bị cáo buộc là phát tán tài liệu phá hoại nhà nước, một tội danh có thể bị lãnh án tù đến 12 năm.

Tháng trước, một tòa án ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt linh mục Nguyễn văn Lý án tù 8 năm về tội tuyên truyền chống chính phủ.

Việt Nam vẫn nói rằng không có tù chính trị mà chỉ kết tội những người vi phạm pháp luật.

Hội Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị Wednesday, Apr 25 2007 

Hội Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị
25/04/2007

Bấm vào đây để nghe audio clip
Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để nghe audio clip
Bấm vào đây để tải xuống audio clip
Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để tải xuống audio clip

Một tổ chức tranh đấu nhân quyền nổi tiếng thế giới kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị vào ngày 30 tháng tư tới đây nhân dịp kỷ niệm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Trong thông cáo phổ biến hôm thứ ba, Hội ân xá quốc tế bày tỏ quan tâm sâu sắc đối với những hành vi trấn áp của giới hữu trách Hà Nội trong vài tháng vừa qua nhắm vào các vị luật sư, những người hoạt động công đoàn, các lãnh tụ tôn giáo và những nhân vật bất đồng chính kiến xử dụng mạng internet.

Thông cáo này nói rằng ““Việt Nam có thông lệ đặc xá cho tù nhân nhân dịp kỷ niệm 30 tháng Tư. Nhân ngày kỷ niệm năm nay Hội ân xá quốc tế yêu cầu giới hữu trách Việt Nam tuân hành các nghĩa vụ đối với luật pháp quốc tế để trả tự do cho tất cả những người bị bắt bớ, bị tạm giam và bị cầm tù chỉ vì đã hành xử một cách hòa bình các quyền tìm kiếm, thu nhận và truyền đạt những thông tin và ý tưởng, quyền tụ họp và lập hội.”

Hội ân xá quốc tế nói thêm rằng: “Ngày 10 tháng tư năm nay chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tán dương sự thành công của diễn đàn APEC – một dịp mà Chủ tịch APEC là Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng cho là ‘đã tạo ra một hình ảnh tích cực của một quốc gia năng động, cởi mở, và an toàn’; nhưng Hội ân xá quốc tế tin rằng chiến dịch đàn áp đang tiếp diễn, một chiến dịch vi phạm trắng trợn luật lệ nhân quyền quốc tế, đang tạo ra một hình ảnh tương phản rõ rệt.”

Tổ chức nhân quyền có bản doanh ở London này còn đính kèm một danh sách 22 nhà tranh đấu đang bị giam giữ ở Việt Nam, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Phan Văn Lợi, luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Bùi Kim Thành, luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Trần Thùy Trang, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, cùng với một số những nhà hoạt động công đoàn, các thành viên của Khối 8406, và đảng viên của các đảng Dân chủ Việt Nam, đảng Thăng Tiến, đảng Vì Dân, và đảng Dân chủ Nhân dân.

Thông cáo của Hội ân xá quốc tế cho biết: quyền tự do diễn đạt và tự do lập hội được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước này vào năm 1982; nhưng những người chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa lại bị truy tố về những tội danh gọi là “tội tuyên truyền chống nhà nước”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm hại quyền lợi của nhà nước”, và “làm gián điệp.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA chiều thứ tư, mẹ của luật sư Lê Thị Công Nhân đã cho biết một số ý kiến như sau về lời kêu gọi của Hội ân xá quốc tế:

Tôi rất cám ơn các hội ở nước ngoài có sự quan tâm đến các trường hợp của con tôi cũng như những người đấu tranh cho dân chủ khác. Nhà nước VN do đảng lãnh đạo nắm tất cả quyền hành trong tay, cho nên họ muốn tỏ ra sức mạnh của mình đối với thế giới. Cho nên việc họ có nghe lời các tổ chức và hội đoàn bên ngoài hay không thì tôi nghĩ là họ có quyết định của họ. Cho nên sự can thiệp của nước ngoài đối với họ thì không có hiệu quả ngay được.

Bà Vũ Minh Khánh, vợ của luật sư Nguyễn Văn Đài, nói rằng chồng bà bị giam cầm một cách oan uổng vì ông không làm gì sai trái mà chỉ hành xử những quyền cơ bản của một công dân. Bà bày tỏ hy vọng là giới hữu trách Hà Nội sẽ dành cho chồng bà một phiên xử công khai và công bằng để chứng tỏ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” không phải chỉ là một khẩu hiệu suông.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, một nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam, tỏ ý ngạc nhiên về cuộc trấn áp diễn ra vào thời điểm mà quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang có những tiến bộ rất tích cực.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống:

Đối lập ở Việt Nam – Họ là ai? Monday, Apr 16 2007 

Nhiều nhà bất đồng chính kiến là đảng viên Đảng Cộng sản

Mặc dù đã có nhiều sách báo nước ngoài viết về tình hình chính trị Việt Nam thời kì 20 năm qua, nhưng vẫn ít có tài liệu nào cho người ta biết rõ hơn về những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Những người này gồm những ai? Họ muốn gì? Họ có phải là một liên minh chặt chẽ, hay có những tư tưởng, động cơ khác nhau?

Một trong số ít các bài nghiên cứu về vấn đề này là của giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia người Mỹ về tình hình Việt Nam và Đông Nam Á.

Trong một bài tiểu luận viết năm 2000, đăng ở tờ Harvard Asia Quarterly, Zachary Abuza đưa ra những nhận định ban đầu về những người đối lập ở Việt Nam.

Bài viết mang tựa đề: “Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents” (Đối lập trung thành: Sự xuất hiện của những nhà phản kháng Việt Nam).

Từ ”đối lập trung thành” được tác giả sử dụng vì ông cho rằng nếu không kể những người bất đồng chính kiến tôn giáo, thì đa số những người khác trong nhóm đối lập đều là đảng viên, nhiều người có thời gian phục vụ cách mạng lâu năm. Rất ít người ủng hộ một nền dân chủ tư sản đa đảng, mà chỉ kêu gọi cải cách và tranh luận dân chủ bên trong khuôn khổ đảng Cộng sản.

Để cung cấp thêm một cái nhìn từ ngoài về Việt Nam, xin giới thiệu trích đoạn bài tiểu luận, qua phần dịch thuật của ông Trần Bình Nam:

Nguồn gốc đối lập tại Việt Nam

Sau 11 năm (1975-1986) chiến thắng và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đứng trước một sự bế tắc kinh tế và sự bất mãn của quần chúng nên đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chương trình đổi mới kinh tế qua đại hội thứ 6 của đảng tháng 12 năm 1986. Dân chúng được tự do buôn bán và trao đổi, tăng cường xuất cảng và mở cửa nhận đầu tư nước ngoài. Ðến năm 1998 tổng số đầu tư lên đến 16 tỉ mỹ kim. Song hành với đổi mới kinh tế là chính sách cởi mở chính trị do một số đảng viên có thế lực trong đảng chủ trương do ảnh hưởng của các phong trào cởi mở chính trị tại Ðông Âu và Liên bang Xô viết dưới thời Gorbachev.

Tuy nhiên khi Ðông âu sụp đổ Hà Nội hoảng hốt và đinh ninh rằng khuynh hướng đa nguyên chính trị là nguyên nhân của sự sụp đổ nên dập tắc ngay sự cởi mở chính trị và đưa ra chính sách “ba không”: Không đặt vấn đề lãnh đạo của đảng Cộng sản. Không đặt vấn đề độc đảng đúng hay sai. Không bàn chuyện đa nguyên chính trị. Ðồng thời giới quân nhân lên tiếng cam kết bảo vệ sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản Việt Nam bằng bạo lực cách mạng.

Bức tường Berlin sụp đổ cùng biến cố Đông Âu tác động mạnh tới Việt Nam

Hội nghị trung ương đảng họp tháng 3 năm 1990 quyết định khai trừ Trần Xuân Bách ra khỏi Bộ chính trị. Ông Bách chủ trương đổi mới chính trị. Trong tháng 1/1990 ông Bách nói với Bộ chính trị rằng những xáo trộn trong thế giới cộng sản tại Âu châu sẽ đến Á châu. Và rằng, cải tổ kinh tế không thể thành công nếu không đồng thời cởi mở chính trị.

Từ đó đến nay đảng Cộng sản Việt Nam rất nặng tay đối với những ai đặt vấn đề đa nguyên chính trị. Vậy tại sao gần đây đối lập có vẻ nở rộ tại Việt Nam? Theo giáo sư Zachary Abuza có 4 lý do:

Thứ nhất là nhận định của đảng Cộng sản Việt Nam về hiểm họa đối với nền an ninh của đất nước. Ðảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Trung quốc không nguy hiểm bằng “diễn biến hòa bình” do các thế lực phương Tây.

Thứ hai sự tăng trưởng kinh tế chậm lại (từ 7 đến 8% sụt xuống còn 2% hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) do chính sách kiểm soát của đảng trong việc không chịu giải tư nhanh chóng các công ty quốc doanh và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997. Sau đại hội thứ 8 năm 1998 đảng Cộng sản Việt Nam đã không có một quyết định nào để chấn hưng tình trạng trì trệ kinh tế vì bất đồng ý kiến nội bộ.

Thứ ba sự tham nhũng và lộng quyền của các đảng viên cầm quyền làm cho nhân dân ở nông thôn bất mãn, đặc biệt ở Thái Bình, vùng đất từng ủng hộ đảng, làm cho thành phần ưu tú trong đảng sửng sốt. Theo các tổ chức quốc tế, tham nhũng ăn chia từ 5 đến 15% tiền nước ngoài đầu tư.

Thứ tư là tác động từ bên ngoài. Ngoài sự sụp đổ tại Ðông âu, và sự phát triển kinh tế chóng mặt của các nước chung quanh, Việt Nam còn bị áp lực của một số nước bạn Tây phương như Pháp. Năm 1997 khi đến Hà Nội dự hội nghị toàn cầu của các nước từng nói tiếng Pháp, tổng thống Jacques Chirac đã yêu cầu Hà Nội trả tự do cho 40 nhà đối lập và cho phép một đoàn truyền hình của Pháp đến quay phim một trại giam. Phía Hoa Kỳ cũng áp lực qua vấn đề nhân quyền. Các tác động này đã làm cho những người đối lập trở nên bạo dạn hơn.

Ai là những người đối lập

Ðiểm đặc biệt của đối lập Việt Nam là xuất phát từ bên trong chính quyền hơn là bởi các nhân vật ngoài chính quyền. Ða số từng giữ chức vụ cao cấp trong đảng và đóng góp nhiều cho đảng. Những người này đáng kính ở chỗ đối lập với đảng, họ có thể mất hết. Mất sự nghiệp cá nhân và mất chỗ đứng cho con cái trong xã hội.

Đám tang tướng Trần Độ, đảng viên lâu năm, gây nhiều chú ý năm 2002

Ngoài ra còn một số người ở miền Nam Việt Nam có thành tích đối lập với chế độ cũ cùng với các linh mục, các thầy trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phản đối chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền.

Nhưng đối lập của Việt Nam còn yếu, không như các phong trào đối lập tại Ðông âu trước đây. Tại Việt Nam không có phong trào nghiệp đoàn công khai hay không công khai. Phong trào sinh viên đấu tranh như tại Nam Hàn và Indonesia cũng không có.

Lý do số sinh viên đại học chỉ chiếm 2% dân số thành phố. Khi được một người nước ngoài hỏi tại sao ở Việt Nam sinh viên không đấu tranh như ở Trung quốc và Indonesia, một sinh viên Việt Nam trả lời rằng: “Ðơn giản thôi. Này nhé, nếu anh sinh viên là con cái của cán bộ thì họ cho chế độ này cũng OK. Nếu anh ấy thuộc gia đình khá giả thì gia đình đó cũng được hưởng ân huệ của chế độ bằng một hình thức nào đó thì cũng OK luôn. Còn nếu anh ấy thuộc một gia đình nông dân nghèo nay nhờ không khí cởi mở, cha mẹ cố gắng chạy tiền cho ăn học thì anh ấy cũng không đủ can đảm làm hỏng niềm hy vọng vươn lên cho mình và cho gia đình bố mẹ.”

Giáo sư Zachary Abuza viết rằng ông nghiên cứu 25 nhà đối lập Việt Nam đã xuất hiện từ năm 1986 đến năm 2000 qua những gì họ viết hay nói.

Trong số 25 nhà đối lập này có 16 cựu đảng viên, 9 người đã bị khai trừ ra khỏi đảng, 2 người tự ý từ bỏ đảng tịch. Trong 25 người đối lập chỉ có 7 người bị tù dài ngày. Những người này đa số gốc miền nam không có quan hệ gì với đảng Cộng sản Việt Nam. Tuổi trung bình của các người đối lập từ 65 đến 69 tuổi, trong đó có 2 phụ nữ. Có 7 nhà văn, nhà báo, hai bác sĩ, một nhà khoa học, một sử gia, một nhà toán học và một kinh tế gia. Trong số họ có nhiều cựu viên chức chính quyền cộng sản như tổng bí thư bộ Nội vụ, và một viên chức cao cấp thuộc Ban an ninh của trung ương đảng.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế thuộc số nhà đối lập ở miền Nam

Ba người từng là ủy viên trung ương đảng, và 2 người từng là thành phần cao cấp trong các bộ. Trong số họ hơn một nửa từng tham dự cuộc đấu tranh chống Việt Nam Cộng Hòa với tư cách cán bộ lãnh đạo hay tuyên truyền, hoặc binh sĩ, trong đó có một người là nhân vật số hai của lực lượng võ trang của Hà Nội tại miền Nam Việt Nam. Có 4 người từng tham gia cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập. Nhiều người từng ở trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong đó có một người sáng lập là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Một số nhà đối lập nói trên đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ và Pháp.

Ðiểm mặt các nhà đối lập Việt Nam, giáo sư Zachary Abuza nhắc đến một số tên tuổi như đại tá Bùi Tín, tướng Trần Ðộ, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nhà văn Dương Thu Hương, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà sinh vật học Hà Sĩ Phu, giáo sư Phan Ðình Diệu, ông Nguyễn Hộ, bác sĩ Nguyễn Ðan Quế và giáo sư Ðoàn Viết Hoạt nếu chỉ kể vài nhân vật tiêu biểu.

Những người đối lập Việt Nam như đã nói, đa số thuộc thành phần lãnh đạo. Cho nên khi dấn thân đấu tranh họ mất hết. Họ là những người từng tự nguyện hiến thân cho cách mạng, và nền độc lập của đất nước.

Bởi vậy đảng Cộng sản Việt Nam liệt 25 nhà đối lập này vào thành phần nguy hiểm đối với chế độ. Họ còn được một số người trong đảng nể nang và che chở. Tuy nhiên họ đều đã cao niên và không biết sau họ có còn thành phần đối lập không? Nhưng dù đã già và không còn quyền lực họ vẫn là những kích thích tố có giá trị đối với quần chúng. Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không quên rằng sự ủng hộ của nhân dân Hungaryvà nhân dân Tiệp khắc đối với Imre Nagy và Alexander Dubcek đã thúc đẩy những cải tổ chính trị đưa đến sự chấm dứt độc quyền của cộng sản.

Có một điều cần quan tâm là những người đối lập Việt Nam đa số có gốc đảng nên họ chỉ muốn làm đối lập ôn hòa hơn là đối lập để lật đổ sự cầm quyền của đảng. Họ vẫn tỏ ra trung thành với đảng mặc dù họ rất bất mãn đối với những chính sách của đảng từ ngày thống nhất đất nước đến nay. Và nếu thỉnh thoảng có người trong nhóm đối lập chỉ trích đảng họ không quên ca ngợi công của đảng trong công cuộc giành độc lập cho đất nước. Ngay cả nhà đối lập không phải là đảng viên như ông Hà Sĩ Phu cũng nhận rằng đảng là con thuyền chở dân tộc Việt Nam sang bờ, nhưng đến bờ rồi đảng giữ chân không cho Việt Nam tiến lên cho kịp lân bang.

Họ tự cho mình là đối lập ôn hòa với mục đích làm cho đất nước phú cường và mang sức sống mới cho đảng Cộng sản. Do đó những đòi hỏi của những người đối lập thường chừng mực. Ðối với họ đối lập như vậy chẳng những là một cái quyền mà còn là một bổn phận.

Nhưng trong cái truyền thống chịu ảnh hưởng của Khổng học và Mác xít người trí thức Việt Nam dính liền với chính quyền, và muốn vươn lên phải trung thành với chế độ, người trí thức không dám lên tiếng, cho nên không có sức mạnh xã hội thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa.

Và đây là cái trở ngại chính giải thích tại sao tại Việt Nam không có một sức mạnh đối lập của giới trí thức buộc nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách. Tiêu Dao Bảo Cự, một nhà đối lập than phiền rằng: “Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, người trí thức phải cầm cờ đi trước. Nhưng có thật vậy không? Hay chúng ta thấy điều ngược lại? Phải chăng người trí thức sợ dân chủ, vì dân chủ tối hậu làm mất quyền lợi muôn đời của họ?” Có thể Bảo Cự đã nêu ra một điểm then chốt giải thích tại sao những người đối lập Việt Nam không tạo được một sức mạnh, và thành phần đối lập tuy không đông đảo nhưng rất phức tạp: có cựu đảng viên, có những người từng ủng hộ chế độ miền Nam, có các linh mục, có tu sĩ Phật giáo và một số trí thức mà mục tiêu đối lập chỉ để được tự do ăn nói và thường không tin lẫn nhau. Vì đối lập phân hóa như vậy nên nhà cầm quyền Hà Nội rất dễ chia để trị.

Những người đối lập đòi hỏi gì?

Họ đòi 4 chuyện. Thứ nhất đòi dân chủ hơn, nhưng họ rất ít nói họ đòi một nền dân chủ đa nguyên Tây phương và hình như không có ai đòi lật đổ hay giải tán đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đòi chung chung quốc hội phải có nhiều quyền hơn, và nên công khai hóa cách lấy các quyết định quan trọng.

Thứ hai họ đòi áp dụng chế độ pháp quyền, đảng Cộng sản Việt Nam không nên cai trị bằng nghị quyết của đảng, không nên đứng trên pháp luật qua điều 4 Hiến pháp.

Thứ ba họ chống sự hình thành giai cấp mới, chống tư bản đỏ, chống tham nhũng và đòi sự tự do trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật,

Thứ tư là đòi tự do báo chí.

Quyền hành cho Quốc hội

Quốc hội là cơ quan làm luật của một quốc gia. Từ năm 1949 cho đến năm 1960 quốc hội không họp vì chiến tranh. Bộ Tư Pháp cũng đóng cửa từ năm 1961 đến 1981. Từ năm 1945 cho đến năm 1986 Việt Nam ban hành 8.910 văn kiện luật pháp, trong đó có 62 bộ luật do quốc hội, phần còn lại là sắc lệnh, nghị định của chính quyền, nhưng tất cả các bộ luật cũng như sắc lệnh, nghị định đều được ban hành dưới chỉ thị của Bộ chính trị.

Những người đối lập muốn một quốc hội công khai thảo luận mọi vấn đề

Khi bầu quốc hội đảng đã cài đặt đảng viên vào đầy đủ để nắm mọi chức vụ then chốt. Thí dụ khi bầu quốc hội thứ 9, có 32 ứng cử viên độc lập thì hết 30 ứng cử viên bị gạt ra khỏi danh sách vì lý do kỹ thuật. Hai người còn trong danh sách cũng thất cử. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang muốn ra ứng cử. Khi bình bầu bởi người dân nơi ông cư trú ông được 96% dân ủng hộ, nhưng khi bình bầu bởi các đảng viên trong chi bộ đảng nơi ông làm việc ông chỉ được 30%. Nhân viên làm việc cùng sở với ông không được tham dự cuộc bầu chọn ứng cử viên.

Những người đối lập không đòi quốc hội độc lập với đảng. Trái lại họ muốn một quốc hội gồm những chuyên viên trong đủ mọi lĩnh vực và được tự do và công khai thảo luận mọi vấn đề của quốc gia, đề ra giải pháp để cho đảng chọn lựa. Và nói chung họ sợ hiểu lầm rằng họ muốn lật đổ đảng.

Tướng Trần Ðộ khi còn sống đã viết cho Bộ chính trị đề nghị rằng “Tôi tán thành sự lãnh đạo của đảng. Tôi thấy điều đó là cần thiết. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là áp đặt. Ðảng lãnh đạo không có nghĩa “đảng là luật pháp”. Tướng Trần Ðộ cũng không kêu gọi sự thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên. Ông chỉ nói: “Tôi nghĩ sự cải tổ của chúng ta phải đi đến sự từ bỏ quyền kiểm soát tuyệt đối mọi chuyện bởi đảng. Ðảng chỉ nên nắm quyền lãnh đạo chính trị, còn mọi chuyện khác hãy để cho quốc hội, chính phủ và Mặt trận Tổ quốc lo liệu.

Có một số đề nghị đa nguyên nhưng nguời đề nghị nói ngay rằng đảng không có gì để sợ đa nguyên vì đa nguyên tạo ra tranh đua sẽ làm cho đảng thêm sức sống. Chỉ có một mình ông Hoàng Minh Chính, một đảng viên nhiều tuồi đảng là đặt vấn đề một cách rốt ráo. Ông Chính nói: “Cái gốc của mọi bất hạnh quốc gia là Ðiều 4 trong bản Hiến pháp. Nó cho phép đảng độc tôn lãnh đạo. Như thế đảng ở trên quốc gia, trên dân tộc, trên hết.”

Nhưng đối với đảng Cộng sản Việt Nam cho phép thảo luận công khai là chứng tỏ đảng bất lực và làm cho cá nhân nào cũng có quyền chỉ trích đường lối của đảng.

Ðòi hỏi pháp quyền
Thay vì đòi hỏi đa nguyên chính trị, những người đối lập đòi đảng thực thi một chế độ pháp quyền và để cho tòa án có quyền độc lập. Trong ngành tư pháp hiện nay tại Việt Nam có từ 30 đến 40% quan tòa do đảng bổ nhiệm, và những người này không có một chút kinh nghiệm gì về luật. Tất cả đều xử án theo lệnh của đảng. Dù sao, theo giáo sư Zachary Abuza, trong lĩnh vực này nếu đảng muốn cải tổ cũng cần nhiều thì giờ. Từ năm 1979 Việt Nam mới có trường luật. Và hội luật sư tại Hà nội năm 1993 chỉ có 50 người. Trong khi đó chỉ riêng nhu cầu cởi mở kinh tế Việt Nam cũng cần đến từ 500 đến 1.000 luật sư.

Cũng do nhu cầu đổi mới kinh tế đảng Cộng sản Việt Nam phải ban hành một số luật lệ, nhưng những luật lệ này có quá nhiều lỗ hổng vì những điều khoản cho phép đảng can thiệp khi nào đảng muốn. Thí dụ các bộ luật mới đều cho phép người dân được hưởng thêm quyền tự do, nhưng khi nào cũng có điều khoản “miễn là không làm mất sự an toàn của chế độ và an ninh của quốc gia”.

Hệ tư tưởng và giai cấp mới

Những người đối lập Việt Nam nói chung chống toàn trị nhưng không chống xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng có thành phần nghĩ rằng phải có sự chọn lựa dứt khoát. Ông Phan Đình Diệu viết: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng lý thuyết cộng sản và chủ nghĩa xã hội dựa vào giai cấp đấu tranh, kinh tế chỉ huy và độc quyền lãnh đạo của đảng đã mang lại quá nhiều tai ương cho đất nước”.

Những người đối lập nghĩ rằng đảng Cộng sản Việt Nam lợi dụng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để duy trì quyền lực chứ không phải để phát triển kinh tế, và tự biến thành một “giai cấp mới” như ông Milovan Djilas, một người cộng sản Nam Tư viết trong cuốn “The New Class”. Theo Djilas, và cũng là điều những người đối lập Việt Nam nghĩ, giai cấp mới hành động theo quyền lợi của mình chứ không phải vì quyền lợi của quốc gia hay của đảng. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa nói với một ký giả phương tây rằng bà đã hỏi những nhà lãnh đạo tại Hà Nội rằng: “Mục đích làm cách mạng của các anh là gì? Vì hạnh phúc của nhân dân hay vì quyền lực?” Và bà trả lời thay cho họ: “Vì quyền lực.”

Nhiều người đối lập Việt Nam cho rằng những người lãnh đạo đảng trở thành những “tư bản đỏ”, lợi dụng chức vụ để chia chác lợi nhuận và ăn cắp của công. Ðảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận có nạn tham nhũng nhưng cho rằng tệ trạng này là phó sản của sự đổi mới kinh tế.

Ðòi tự do báo chí

Trong một khảo sát tự do báo chí năm 1999 ở Đông Á và Đông Nam Á, Việt Nam xếp cuối bảng. Mặc dù Ðiều 69 của Hiến pháp ghi: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”, nhưng trên thực tế các tờ báo đều do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên nhờ cởi mở chế độ kinh tế, nhà xuất bản lậu và báo lậu xuất hiện nên dân được thông tin một phần nào ngoài con đường chính thức. Hai tờ báo lậu nổi tiếng là tờ “Diễn Ðàn Tự Do” (của giáo sư Ðoàn Viết Hoạt) và tờ “Truyền Thống Kháng Chiến” của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ. Cả hai tờ đều bị đóng cửa và chủ nhiệm bị tù. Nhưng dần dần nhờ internet những người đối lập vẫn còn có cơ hội lên tiếng.

Năm 1986 sau đại hội đảng lần thứ 6, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mở cửa cho báo chí. Ông Linh nói: “các anh đừng bẻ cong ngòi bút để làm hài lòng người khác”. Nhưng mục đích của ông Linh là dùng báo chí để giúp ông thúc ép bộ máy thư lại của đảng nhúc nhích. Ðến khi Ðông âu sụp đổ và vụ Thiên An Môn xẩy ra (1989) đảng Cộng sản Việt Nam lại siết lại báo chí và nhà văn.

Những người đối lập Việt Nam nói rằng khi đảng vi phạm Ðiều 69, nắm trong tay độc quyền thông tin đảng làm cho đất nước bị thiệt thòi, và rằng quyền thông tin độc lập chẳng những không làm mất ổn định mà còn giúp chính quyền làm việc một cách có trách nhiệm hơn.

Tiến sĩ Phan Ðình Diệu nói rằng ngoài lợi ích phát triển tư duy, sự tự do thông tin là điều không thể thiếu trong một nền kinh tế thị trường. Ông nói, “kinh tế thị trường căn bản dựa vào quyết định của người sản xuất và người tiêu thụ nên cả hai phía đều cần thông tin. Nước Việt Nam không thể chạy theo đà phát triển kinh tế trên thế giới hay hội nhập vào trào lưu kinh tế toàn cầu nếu chính quyền không thay đổi chính sách thông tin hiện nay.”

Kết luận
Ðối lập tại Việt Nam còn non trẻ. Và sức mạnh của đối lập Việt Nam hiện nay có là nhờ vị trí xã hội và chính trị của những người đối lập.

Họ, hoặc là đảng viên cao cấp nhiều tuổi đảng, hoặc là những cựu chiến binh có thành tích cách mạng, hoặc là những nhà trí thức chín chắn nên những gì họ nói ra đều có sức mạnh của lẽ phải và đạo lý.

Họ có tư tưởng khác nhau nhưng hình như có một mẫu số chung là mong muốn một thể chế qua đó Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề của quốc gia dưới sự quan sát của dân qua báo chí tự do.

Ít người trong số họ công khai kêu gọi đa nguyên đa đảng. Họ muốn làm tốt chế độ hiện nay, chứ không kêu gọi lật đổ. Nhưng họ bất mãn với cung cách nắm quyền hành một cách tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam như nắm quốc hội, bịt miệng người trí thức, bịt miệng báo chí, và không chịu cải tổ kinh tế một cách triệt để. Nói cách khác họ chỉ trích mục tiêu và phương pháp của đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo những người đối lập, nếu đảng Cộng sản Việt Nam không chịu cải tổ đảng sẽ mất dần tính chính thống và sự ủng hộ của quần chúng. Họ nói họ đối lập để đóng góp vào công cuộc xây dựng quốc gia.

Nhưng đối với một chế độ bất an phải dựa vào hào quang quá khứ và bạo lực để duy trì quyền lực, thì những người lãnh đạo vẫn xem những người đối lập này dù ôn hòa cũng là một mối đe dọa chẳng những cho chế độ mà còn cho sự độc lập và toàn vẹn của quốc gia nên cần phải trừng trị.

……………………………………………………………………………………..

Về tác giả Zachary Abuza: Ông là giáo sư chính trị học ở trường Simmons College, Boston. Nhận bằng tiến sĩ tại Fletcher School of Law and Diplomacy thuộc ĐH Tufts. Ngoài Việt Nam, Zachary Abuza còn viết về vấn đề an ninh Đông Nam Á và Hồi giáo.

Các tác phẩm chính: Renovating Politics in Contemporary Vietnam (2003). Militant Islam in Southeast Asia: Crucible of Terror (2003). Funding Terrorism in Southeast Asia: The Financial Network of Al Qaeda and Jemaah Islamiya (2003).

Phản ứng của Liên Xô – TQ ở thời kì cuối cuộc chiến Monday, Apr 16 2007 

Trong loạt tư liệu nhân kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, chúng tôi đã giới thiệu phân tích của một nhà nghiên cứu (Eva-Maria Stolberg) về việc Trung Quốc và Liên Xô nhìn nhận vấn đề chiến tranh Việt Nam như thế nào.

Tương tự chủ đề này, dưới đây là trích thuật đoạn cuối cùng trong quyển sách “Ending the Vietnam War: The Vietnamese Communists’ Perspective”, của tác giả Ang Cheng Guan.

Ông là giáo sư tại National Institute of Education, thuộc Nanyang Technological University (NTU), Singapore, chuyên ngành nghiên cứu về khía cạnh quốc tế của cuộc chiến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sau Thế chiến Hai.

Cuốn ‘Ending the Vietnam War’, do RoutledgeCurzon xuất bản năm 2004, là phần tiếp theo của tập ‘The Vietnam War from the Other Side’, cùng một tác giả, in năm 2002.

Nếu bản thân những người cộng sản Việt Nam đã ngạc nhiên vì tiến độ diễn biến quân sự ở miền Nam kể từ tháng Ba 1975, thì Bắc Kinh và Moscow, vốn cả hai không nắm rõ tình hình ở Việt Nam cũng như không kiểm soát nhiều diễn biến tại đó, cũng bị ngạc nhiên.

Tiếc là hiện nay, người ta chưa có tài liệu để biết về suy nghĩ tại hai nước vào thời điểm đó. Tuy vậy, chúng ta biết rằng quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đã trắc trở kể từ 1972. Đã có các đụng độ nơi biên giới hai nước trong năm 1973, và tháng Giêng 1974, TQ chiếm đảo Hoàng Sa. Nhưng vào thời điểm này, một Hà Nội đang bận rộn với nhiều diễn biến khác chỉ có thể bày tỏ sự phản đối yếu ớt trong chốn riêng tư.

Tháng Ba 1974, Hà Nội đóng cửa tờ báo tiếng Hoa duy nhất và hoạt động của Hội hữu nghị Việt – Hoa cũng bị ngừng lại.

Đến tháng Tám 1974, vì lý do sức khỏe, Chu Ân Lai không còn theo dõi quan hệ Việt – Trung. Hai chuyến đi của ông Lê Thanh Nghị năm 1974 đến Bắc Kinh cho thấy lúc này Hà Nội gặp khó khăn khi muốn có sự hỗ trợ kinh tế và quân sự từ Trung Quốc.

Một tuần trước ngày 30-4, tướng Dương Văn Minh còn tin rằng Hà Nội sẽ phải đàm phán với ông. Trong số các lý do ông nghĩ đến là Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam không muốn bị Hà Nội chi phối và rằng Bắc Kinh muốn có hai nước Việt Nam riêng biệt vì một VN thống nhất sẽ đe dọa biên giới tây nam của TQ.

Giờ đây nhìn lại, người ta thấy vào thời điểm 1974-75, Bắc Kinh đã ước đoán – mặc dù sai lầm – rằng tình hình ở Nam Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong một thời gian.

Mặc dù Bắc Việt có khác biệt với người Nga, nhưng bản báo cáo thường niên của sứ quán Liên Xô ở Hà Nội về quan hệ song phương nói chung lạc quan. Tuy không có số liệu, nhưng người ta biết rằng Liên Xô, so với Trung Quốc, tỏ ra đáp ứng nhiều hơn trước yêu cầu của Việt Nam muốn có trợ giúp kinh tế, quân sự.

Moscow vẫn tiếp tục là một kênh liên lạc quan trọng giữa Mỹ và Liên Xô. Hồi ức của Anatoly Dobrynin về ngày 19-4-1975 cho biết Kissinger đã yêu cầu Moscow can thiệp với Hà Nội để cho phép việc sơ tán người Mỹ và người miền Nam ra khỏi Sài Gòn.

Ngày 24-4, Hà Nội trả lời thông qua Brezhnev rằng người cộng sản Việt Nam sẽ không ngăn trở việc di tản và không có ý định gây tổn hại cho uy tín của Mỹ.

Tôn giáo và chủng tộc ‘khiến Mỹ ủng hộ Diệm’ Monday, Apr 16 2007 

Ngô Đình Diệm
Đề tài chiến tranh Việt Nam vẫn đang được nghiên cứu

Cuốn sách này, ra mắt năm 2005, kết luận rằng thái độ về tôn giáo và chủng tộc ở Mỹ là những yếu tố chính khiến Mỹ lựa chọn và duy trì chính quyền của Ngô Đình Diệm.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng Mỹ ủng hộ ông Ngô Đình Diệm chủ yếu dựa trên uy tín chống Cộng của nhân vật này.

Nhưng cuốn sách của Seth Jacobs, giáo sư ở Boston College, nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ dành cho ông Diệm có được nhờ phong trào phục hồi Thiên Chúa giáo ở Mỹ thập niên 1950, cùng với quan niệm mang tính phân biệt của các lãnh đạo Mỹ xem người Việt Nam như một dân tộc thô sơ, dân trí thấp vì thế cần có một bộ máy cai trị độc tài.

Hai yếu tố này, cùng với chủ nghĩa chống Cộng, khiến chính phủ Mỹ tin rằng họ có thể kiến tạo một quốc gia (nation-building) bằng việc ủng hộ một nhân vật Công giáo.

Đến năm 1963, ‘cơn sốt tôn giáo’ ở Mỹ đã lắng dịu và lúc này chính phủ Mỹ sẵn lòng phế bỏ hai ông Diệm và Nhu.

Tôn giáo và chủng tộc

Seith Jacobs, người viết cuốn sách dựa trên luận án tiến sĩ, cho rằng sự hấp dẫn của Diệm đối với người Mỹ không phải chỉ nhờ hồ sơ chống Cộng của ông, mà còn vì “niềm tin Thiên Chúa giáo của ông đánh dấu ông như một kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, người không thể phản bội các mục tiêu thời chiến tranh Lạnh của Mỹ.”

Ngoài ra, các chính sách độc tài của tổng thống Ngô Đình Diệm có vẻ phù hợp ở môi trường châu Á, nơi nhiều người Mỹ xem là “một nơi dân trí thấp, kém văn minh.”

Seth Jacobs tập trung phân tích làm thế nào những thành kiến chủng tộc và tôn giáo đã đóng vai trò tác động đến chính sách của Mỹ ở Việt Nam.

Cuốn sách thuộc về một tập hợp các tác phẩm mới gần đây hướng sự chú ý nhiều hơn đến các nhân vật ở miền Nam Việt Nam để bù đắp cho sự thiếu hụt nghiên cứu từ 20 năm qua.

Một bài điểm sách trên Journal of Church and State ghi nhận rằng tác giả quá phụ thuộc vào những cuốn sách đã ra mắt từ lâu và lạc hậu về Diệm.

Những tài liệu này viết ra vào lúc chưa có nhiều tư liệu gần đây được giải mật và chúng được viết vào thời điểm khi cái nhìn chung xem Ngô Đình Diệm là một nhà lãnh đạo tồi.

Với những người phản chiến, những người đã chỉ ra khiếm khuyết của ông Diệm và việc Mỹ mù quáng không nhận ra những khiếm khuyết này, cuốn sách của Seth Jacobs là một sự khẳng định tích cực.

Với những người phản đối quan điểm này, cuốn sách lại là sự xác nhận rằng vẫn cần có một tác phẩm khác về Diệm.

…………………………………………………….

Tác phẩm America’s Miracle Man in Vietnam: Ngo Dinh Diem, Religion, Race and U.S. Intervention in Southeast Asia, 1950-1957 do nhà xuất bản đại học Duke xuất bản năm 2005.

 

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/02/060217_diem_newbook.shtml

Sự cạnh tranh Liên Xô – Trung Quốc trong cuộc chiến VN Monday, Apr 16 2007 

Sự cạnh tranh Liên Xô – Trung Quốc trong cuộc chiến VN

Trung Quốc và Liên Xô nhìn nhận vấn đề chiến tranh Việt Nam như thế nào?

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, mối quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản này thực tế đầy sóng gió do các mâu thuẫn về tư tưởng và chính sách.

Ở bối cảnh đó, Việt Nam trở thành vấn đề gây ảnh hưởng giữa hai cường quốc này.

Trong một tiểu luận gần đây, Eva-Maria Stolberg, giáo sư ở ĐH Bonn, đã phân tích về mối quan hệ này.

Bài viết in trong tập sách “America, the Vietnam War and the World” do NXB ĐH Cambridge ấn hành tháng Chín 2003.

Theo Eva-Maria Stolberg, đối với Liên Xô và Trung Quốc, việc ủng hộ phong trào giải phóng của Việt Nam phục vụ ba mục đích: nó cho phép hai siêu cường biện minh hoặc chỉ trích các hệ tư tưởng của nhau; đó là một phần trong chiến lược của Liên Xô và TQ đối với Mỹ; và Việt Nam cũng là phương tiện để phục vụ những mục đích, quyền lợi bên trong cơ cấu nội bộ mỗi đảng.

Trong loạt tư liệu nhân kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, chúng tôi xin trích lược giới thiệu nội dung chính của bài viết. Xin lưu ý đây là những phân tích và quan điểm riêng của tác giả.

Ngay từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, liên minh Trung Quốc – Liên Xô đã có những chia rẽ mà đã tác động đến hệ tư tưởng, chính sách và chiến lược của cả hai nước trong thời chiến tranh Lạnh. Các quyền lợi quốc gia và quan niệm về an ninh bị định hình bởi quan niệm của lãnh tụ hai nước về cách thức mỗi nước có thể tồn tại trong môi trường toàn cầu khi ấy. Trong hoàn cảnh này, cuộc chiến Việt Nam là chỉ dấu đo đạc mang tính quyết định.

Trong mùa đông 1949-50, khi Stalin và Mao Trạch Đông thương lượng Hiệp ước Trung – Xô, hai người đồng ý việc chia sẻ nhiệm vụ. Đông Dương và Đông Nam Á nằm ngoài quyền lợi của Liên Xô và vì thế trở thành ‘sân chơi’ của Trung Quốc. Khi ông Hồ Chí Minh, trong chuyến thăm Bắc Kinh và Moscow tháng Giêng – Hai 1950, yêu cầu sự hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chống Pháp, Stalin nói ông Hồ hãy nói chuyện với Trung Quốc. Các bằng chứng mới từ văn khố Trung Quốc cho thấy Stalin khi đó bác bỏ sự dính líu tới Triều Tiên và Đông Dương.

Khác biệt tư tưởng

Người Trung Quốc khi đó có thái độ ngược lại: Họ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Việt Nam đánh Pháp, và sau đó Trung Quốc gửi cố vấn quân sự do tướng La Quý Ba dẫn đầu, người sau này trở thành đại sứ ở Hà Nội.

Một sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc và Liên Xô đối với vấn đề Đông Dương đã diễn ra sau cái chết của Stalin và sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Bộ máy lãnh đạo mới ở Moscow giờ đây muốn có giải pháp hòa bình cho xung đột ở Đông Nam Á. Trung Quốc khi đó cũng muốn có sự thỏa hiệp với phương Tây để ngăn sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Tại hội nghị Geneva năm 1954, mục đích chính của Trung Quốc là đạt được uy tín quốc tế và quyền lực sau khi nước này bị cô lập vì cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên. Do sự thiếu kinh nghiệm ngoại giao quốc tế, Trung Quốc đã đứng đằng sau Liên Xô.

Chính sách của khối Cộng sản ở Geneva được đánh dấu bằng sự nhất trí. Việt Minh, sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ, muốn đuổi Pháp ra khỏi Đông Dương và thống nhất Việt Nam. Nhưng do sức ép của Liên Xô và Trung Quốc, họ phải chấp nhận việc chia đôi đất nước. Tuy vậy, người Cộng sản Việt Nam ngay sau đó yêu cầu Trung Quốc giúp củng cố chính quyền ở miền Bắc, với mục đích sẽ thống nhất đất nước bằng phương tiện quân sự. Tháng Sáu 1955, Bộ trưởng quốc phòng Võ Nguyên Giáp có cuộc họp ở Bắc Kinh với người tương nhiệm, Bành Đức Hoài và một đại diện của nhóm cố vấn quân sự Liên Xô tại Trung Quốc. Cuộc họp, kéo dài đến tháng Mười, liên quan việc hoạch định quân sự.

Lúc này, người lãnh đạo mới của Liên Xô, Nikita Khrushchev, đề ra nguyên tắc ‘cùng chung sống hòa bình’ trong chính trị quốc tế. Trong hoàn cảnh Việt Nam, nguyên tắc này có nghĩa là phía Liên Xô muốn có sự chung sống giữa hai nhà nước Việt Nam và thống nhất thông qua trưng cầu dân ý. Ngược lại, Trung Quốc đề ra nguyên tắc ‘chiến tranh nhân dân’, nói rằng sự dính líu ngày càng tăng của Mỹ tại miền Nam Việt Nam là sự phản bội thỏa thuận Geneva.

Việc Liên Xô rút cố vấn ra khỏi Trung Quốc năm 1960 đánh dấu sự tan vỡ quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản.

Lúc này, người cộng sản Bắc Việt tin rằng đã chín muồi cho đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Nhưng một quyết định chung cuộc đã bị đình hoãn do sự bất đồng chiến lược trong đảng – một bất đồng phản ánh cuộc tranh cãi lớn hơn giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Trong khi tướng Giáp tin rằng cách mạng ở miền Nam sẽ lâu dài và gian khổ, ông Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh ủng hộ chiến lược tấn công ồ ạt và đồng ý với quan điểm của Trung Quốc.

Mùa xuân 1961, Tổng thống Kennedy chấp thuận gửi 400 cố vấn quân sự đến miền Nam Việt Nam, và Trung Quốc phản ứng. Trong cuộc họp với thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Bắc Kinh tháng Sáu năm ấy, Mao ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang, trong lúc Chu Ân Lai thì muốn một con đường linh động hơn, sử dụng biện pháp ngoại giao, chính trị cùng với chiến thuật bí mật ở miền Nam.

Trong chuyến thăm Hà Nội tháng Sáu 1963, chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ tuyên bố trong diễn văn là cuộc đấu tranh giữa phe xét lại (Khrushchev và Liên Xô) với ‘những người Marxist-Leninist chân chính’ (Trung Quốc) trên thực tế xoay quanh câu hỏi “liệu các dân tộc trên thế giới có thực hiện cách mạng hay không’. Ông Hồ Chí Minh đứng về phía ông Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh, những người ủng hộ chiến tranh ở miền Nam.

Trong những tháng sau đó, có chiến dịch chống phe ‘xét lại’, mà chủ yếu là tướng Giáp, người bị nghi ngờ là ‘bạn của Khrushchev’.

Nếu Chu Ân Lai và người ủng hộ ông đã chiến thắng trong cuộc tranh luận với Mao, thì có lẽ Trung Quốc sẽ chỉ đóng vai trò quan sát viên trong chiến tranh Việt Nam. Quan điểm đối đầu với Mỹ của ông Mao liên quan đến viễn kiến của ông về đấu tranh giai cấp và chiến tranh nhân dân. Quần chúng cần thực hiện viễn kiến đó cả bên trong và ngoài Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh đó, mùa hè 1962, Trung Quốc gửi cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa súng đạn đủ để trang bị cho 200 tiểu đoàn.

Các đàm phán chi tiết tiếp tục trong các tháng sau đó. Cũng trong năm đó, Bắc Kinh đồng ý gửi tình nguyện quân vào Bắc Việt nếu quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 17. Tính từ 1956 đến 1963, Trung Quốc đã chuyển lượng vũ khí cho miền Bắc ở số lượng trị giá khoảng 320 triệu nhân dân tệ.

Năm 1964, Mỹ bắt đầu chuyển hướng sự chú ý từ miền Nam hướng ra miền Bắc, và tuyên bố sẽ không chấp nhận việc tăng chuyển quân và vũ khí từ miền Bắc.

Quyết định của Mỹ gia tốc cuộc xung đột trong tháng Hai 1965 với các cuộc không kích miền Bắc cho thấy nếu Hà Nội muốn thống nhất đất nước bằng quân sự, họ sẽ phải phụ thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc.

Tại Liên Xô, Khrushchev đã không còn quan tâm đến Đông Dương trong mùa hè và mùa thu 1964; ông muốn Liên Xô tránh khỏi Đông Nam Á vì sợ một ‘khủng hoảng tên lửa Cuba thứ hai’. Cuộc chiến Việt Nam cũng có lợi cho Liên Xô ở chỗ nó thu hút sự chú ý của hai đối thủ là Mỹ và Trung Quốc; như thế Liên Xô có thể tập trung cho khu vực châu Âu và Viễn Đông.

Tuy vậy, chính sách không can thiệp của Liên Xô lại khiến Bắc Việt hướng nhiều hơn về Trung Quốc. Tháng 12-1964, bộ trưởng quốc phòng TQ thăm Hà Nội và ký hiệp ước hợp tác quân sự. Việc này cần được nhìn trong bối cảnh tranh chấp Xô – Trung: sự miễn cưỡng của Liên Xô được diễn giải như là cơ hội cho Trung Quốc đưa Việt Nam vào quỹ đạo của mình.

Cũng thời điểm đó, Khruschev bị hạ bệ và Leonid Brezhnev lên thay. Trung Quốc hy vọng sẽ có cải thiện trong quan hệ và trông chờ Brezhnev từ bỏ chính sách cùng chung sống hòa bình với phương Tây. Nhưng Anastas Mikoyan, thành viên trong Bộ Chính trị, sau đó tuyên bố Brezhnev sẽ tiếp tục chính sách chung sống này.

Trung Quốc ban đầu hứa gửi phi công sang Bắc Việt, nhưng sau đó họ rút lại vì lo ngại ưu thế hơn hẳn của không quân Mỹ. Bộ binh trở thành lựa chọn tốt hơn và sau đó một số lượng đáng kể nhân viên quân sự Trung Quốc được gửi sang miền Bắc.

Gần 320.000 người Trung Quốc đã có mặt tại miền Bắc từ tháng Sáu 1965 đến tháng Ba 1968. Họ không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu mà giúp xây sửa cầu đường, đường ray xe lửa. Ngoài ra, Trung Quốc xây một cảng bí mật ở Hải Nam, để từ đó vũ khí được chuyển cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc ở miền Nam.

Chính sách ngoại giao của Mao Trạch Đông lúc này cũng cần được hiểu thông qua những quan ngại của ông về đối nội. Mao lo ngại về tương lai TQ, đặc biệt trong trường hợp ông qua đời và một bộ máy mới lên.

Ông cảm thấy các nguyên tắc của cách mạng TQ sẽ bị phản bội và hệ thống chính trị trong tay lớp trẻ hơn rồi sẽ đưa TQ mở cửa với phương Tây.

Vì thế, Mao sử dụng cuộc chiến Việt Nam khơi gợi tinh thần chống đế quốc trong nhân dân TQ để chống lại những người ‘xét lại’ trong bộ máy và để bảo đảm vị trí của ông trong lịch sử. Đây là mục đích chính của chiến dịch ‘Ủng hộ Việt Nam và chống Mỹ’ tại Trung Quốc. Có một sự liên hệ trực tiếp giữa cuộc chiến tại Đông Dương và sự cực đoan ngày càng tăng trong chính trị nội địa tại TQ.

Thái độ Liên Xô thay đổi

Đầu năm 1965, tân thủ tướng Liên Xô, Kosygin, thăm Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng như một cách đánh dấu sự khôi phục chính sách châu Á của Liên Xô. Hoạt động ngoại giao con thoi này nhằm hai mục đích: hàn gắn quan hệ Xô – Trung và ngăn chặn hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

Trong chuyến thăm Hà Nội, tháp tùng Kosygin có các chuyên viên tên lửa. Và ngày 10-2-1965, Liên Xô và Bắc Việt ký hiệp ước hỗ trợ kinh tế và quân sự.

Điều này đáng chú ý vì chỉ mới vào tháng 12-1964, Bắc Việt đã tuyên bố sẽ không hoan nghênh các chuyên viên dân sự và quân sự Liên Xô. Rõ ràng, Hà Nội đã dùng sự hỗn độn quanh diễn biến thay đổi lãnh đạo tại Liên Xô và việc củng cố quyền hành của Brezhnev để gây sức ép cho người Nga. Bắc Việt cảm thấy họ đang được cả hai thế lực cộng sản tìm cách chinh phục.

Sự hố̃ trợ quân sự to lớn của Liên Xô từ sau 1965 cũng có mục đích chung là giảm bớt mối liên hệ của TQ tại Việt Nam.

Nhưng điều này không có nghĩa là Hà Nội giờ đây đứng về phía Moscow trong cuộc tranh chấp Xô – Trung. Thực tế, họ tìm cách nhận được hỗ trợ tối đa từ cả hai bên.

Về cơ bản, có một sự khác biệt quan trọng trong thái độ của Liên Xô và TQ đối với vấn đề Việt Nam. Người Sô viết nghĩ rằng một nước XHCN như VN có quyền tồn tại và thống nhất đất nước, đặc biệt khi bị thế lực phương Tây đe dọa. Nhưng việc bảo vệ của một cường quốc XHCN, dù là Liên Xô hay TQ, chỉ có trong khuôn khổ cùng chung sống hòa bình.

Ngược lại, Trung Quốc xem cuộc xung đột VN là một phần trong phong trào đấu tranh chống đế quốc tại Đông Nam Á – ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Tiến trình đi tìm một giải pháp hòa bình về câu hỏi VN diễn ra chậm chạp. Sự thay đổi trong tam giác Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc diễn ra vào năm 1972 sau khi tổng thống Nixon thăm TQ.

Đến giữa tháng Sáu, chủ tịch Liên Xô Podgorny thăm Hà Nội và thúc giục Bắc Việt đàm phán. Một phần lý do là viện trợ quân sự cho Bắc Việt đã gây tiêu cực cho kinh tế Liên Xô, nhất là khi người Sô viết coi vấn đề VN không liên hệ trực tiếp về an ninh cho Liên Xô.

Trung Quốc lúc này cũng muốn có giải pháp hòa bình. Lý do quan trọng nhất là nhờ chuyến thăm của Nixon, TQ giờ đây có thể dùng Liên Xô đối chọi với Mỹ. Ngoài ra, lúc ấy họ hy vọng giải quyết vấn đề Đài Loan, nhưng buộc phải có sự hợp tác của Mỹ.

Lúc này, sự thay đổi chính sách của Liên Xô và Trung Quốc là cú đánh tâm lý cho Bắc Việt. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và phản bội.

Moscow và Bắc Kinh có đủ lý do để hòa hoãn với Mỹ và ủng hộ một giải pháp ngừng bắn và chính trị tại Việt Nam. Các hội nghị thượng đỉnh Xô – Mỹ và Trung – Mỹ trong năm 1972 cho thấy rằng cả Liên Xô và Trung Quốc đều không muốn hy sinh quyền lợi quốc gia của họ, tức là cải thiện quan hệ với Mỹ.

Ngày 27-1-1973 khi hiệp định Paris được ký kết, nó phản ánh một trật tự thế giới mới mà sẽ không thể có nếu thiếu sự hòa hoãn Mỹ-Xô-Trung năm 1972.

Cuộc chiến Việt Nam cho thấy quan hệ tam giác Moscow – Hà Nội – Bắc Kinh rất khác với ngôn từ tuyên truyền chính thức về ‘tình hữu nghị quốc tế’.

Mỗi bên đi theo một chính sách quốc gia riêng, tạo nên sự nghi ngờ lẫn nhau mà đã đóng góp vào việc kéo dài cuộc xung đột. Ngoài ra, trong suốt lịch sử, cả ba nước này thể hiện một thái độ yêu – ghét về nhau. Và sự khác biệt văn hóa giữa TQ và VN cũng góp thêm vào sự phức tạp trong tam giác này

Biến đổi trong quan hệ Việt Xô Monday, Apr 16 2007 

Chiến tranh Việt Nam
Vai trò của Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc chiến còn được bàn luận

Những tài liệu và nghiên cứu được công bố gần đây cho người ta hiểu một cách tinh tế hơn mối quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam.

Khác với những tuyên truyền chính thức trước đây rằng quan hệ Việt Xô luôn thắm thiết, những nghiên cứu mới cho thấy tình thân và mâu thuẫn đã là hai mặt của mối quan hệ, và thay đổi theo từng giai đoạn.

Trong tác phẩm vừa xuất bản năm 2006, Mari Olsen, chuyên gia về chính sách đối ngoại thời Xô viết và đang làm ở Bộ Quốc phòng Na Uy, đã trình bày những thăng trầm trong quan hệ Việt Xô và vai trò của Trung Quốc từ 1949 đến 1964.

Sử dụng tư liệu lưu trữ của Nga, tác giả cho biết giai đoạn từ 1962 đến 1964, Liên Xô ngày càng phải dựa nhiều hơn vào thông tin của ‘các nước XHCN anh em’ để nắm tình hình ở Việt Nam, vì Việt Nam tỏ ra miễn cưỡng trong việc chia sẻ thông tin.

Sự phụ thuộc thông tin của Liên Xô bắt đầu từ mùa thu 1962, khi các viên chức ngoại giao Liên Xô ở Hà Nội ngày càng bị cô lập, và kéo dài cho đến mùa thu 1964, khi sự liên lạc đầy đủ giữa Moscow và Hà Nội được nối lại.

Lạnh nhạt

Cần nhắc lại từ cuối thập niên 1950, ban lãnh đạo đảng Lao Động (tên mà Đảng Cộng sản Việt Nam chọn sử dụng lúc này) phân hóa thành hai nhóm: một ủng hộ chính sách ngoại giao và thống nhất đất nước trong hòa bình, và một nhóm muốn dùng quân sự để thống nhất.

Đến đầu thập niên 1960, sự chia rẽ chính xảy ra giữa cái gọi là nhóm thân Liên Xô và nhóm thân Trung Quốc.

Đến mùa xuân 1962, trong mắt người Nga, Trung Quốc đã tăng mạnh ảnh hưởng ở miền Bắc Việt Nam. Theo số liệu của Moscow, viện trợ kinh tế của Trung Quốc cho Bắc Việt từ 1955 đến 1962 cao hơn cả Liên Xô trong cùng thời kỳ.

Nikta Khrushchev
Việc Khrushchev không đi thăm Hà Nội năm 1962 thể hiện mức độ quan tâm Việt Nam lúc này của Moscow

Cũng trong thời điểm này, sự quan tâm của Moscow đến Việt Nam tỏ ra thụ động. Phân ban Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô, tháng Chín 1962, đề nghị một loạt biện pháp cải thiện quan hệ với Bắc Việt.

Trong đó có đề xuất rằng Tổng bí thư Nikta Khrushchev nên đi thăm Hà Nội. Ban này cũng khuyến nghị Moscow nên quan tâm hơn đến vấn đề thống nhất của Việt Nam.

Nhưng mặc dù bày tỏ ủng hộ Bắc Việt, nhưng trong năm 1962, Liên Xô không làm gì nhiều để thuyết phục bạn của mình rằng họ có thể dựa vào Liên Xô khi khó khăn.

Việc Khrushchev không thăm Việt Nam vào 1962 và cả 1963 cho thấy sự thiếu quan tâm của Liên Xô đến Đông Dương vào lúc này.

Có vẻ như những lo lắng đối ngoại khác, như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, và sự thiếu hiểu biết thật sự tình hình ở Việt Nam khiến Moscow tự hài lòng với sự chú tâm vừa phải của mình ở Đông Dương. Lúc này họ không xem ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Hà Nội là mối đe dọa thực sự cho quan hệ Việt Xô.

Cô lập

Từ giữa năm 1962, theo Mari Olsen, các đảng viên ở Hà Nội ngày càng tỏ ra thận trọng về mức độ thông tin họ chia sẻ với các viên chức ngoại giao Liên Xô.

Kết quả là Moscow phải dựa nhiều hơn vào thông tin của các đại diện ngoại giao Đông Âu như Ba Lan và Tiệp Khắc ở Hà Nội.

Không khí ở Hà Nội lúc này thay đổi khi người Việt ngày càng đặt nhiều niềm tin hơn vào Trung Quốc. Để có thể cập nhật, Liên Xô phải dùng mọi nguồn tin có được.

Tháng Giêng 1963, chủ tịch Tiệp Khắc, Antonin Novotny, thăm Hà Nội và đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự cùng tồn tại trong hòa bình – một quan điểm được Khrushchev cổ vũ.

Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội xem đây là sự kiện quan trọng đánh dấu việc Hà Nội tiến lại gần hơn với Moscow.

Nhưng chỉ một năm sau, sau Hội nghị Trung ương lần thứ Chín tháng 12-1963, ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị nhóm thân Trung Quốc loại ra khỏi Bộ Chính trị vì ông này đã ủng hộ tuyên bố của Novotny.

Theo sứ quán Ba Lan ở Hà Nội, thực chất ngay sau khi chuyến thăm của Novotny kết thúc, nhóm thân Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch để làm giảm nhẹ tầm quan trọng chính trị của tuyên bố chung Việt Nam – Tiệp Khắc.

Điều này, cùng nhiều ví dụ khác, cho thấy quan hệ Việt Xô đã xấu đi giữa lúc quan hệ Trung Xô cũng trở nên tồi tệ hơn. Ảnh hưởng tiêu cực của chuyến thăm của Novotny đánh dấu chặng đầu tiên khi Bắc Việt ngả sang Bắc Kinh.

Chuyển hướng sang Bắc Kinh

Hội nghị Trung ương lần thứ Chín năm 1963 là bước đệm cuối cùng, đánh dấu việc Hà Nội tách hẳn khỏi đường lối chính sách đối ngoại của Moscow.

Vào lúc Hội nghị đang diễn ra, vào ngày 25-12- 1963, ông Hồ Chí Minh mời đại sứ Liên Xô ở Hà Nội, Tovmasyan, đến ăn trưa cùng ông, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Xuân Thủy.

Theo lời kể của Tovmasyan mà được lưu trữ trong văn khố Nga, vào cuối bữa ăn, ông Hồ Chí Minh nói ông sẽ ‘về nghỉ’ vì tuổi cao.

 Trong buổi ăn trưa với đại sứ Liên Xô, ông Hồ Chí Minh nói ông sẽ ‘về nghỉ’

Ông nói công việc về đảng từ nay sẽ do ông Lê Duẩn nắm, Phạm Văn Đồng phụ trách vấn đề của chính phủ, Xuân Thủy về đối ngoại và quốc hội thuộc về trách nhiệm của ông Trường Chinh.

Vì sao ông Hồ Chí Minh lại loan báo việc ‘về nghỉ’ này với đại sứ Liên Xô?

Có thể đoán rằng đây là cách ông Hồ cảnh báo về ảnh hưởng sút giảm của ông ở Hà Nội và về kết quả sắp đưa ra ở Hội nghị lần thứ Chín. Sự tiếp tục nhấn mạnh của ông Hồ về mối quan hệ gắn bó với Moscow phần nào đó đưa ông trở thành vật chắn cuối cùng trước xu hướng thân Trung Quốc.

Trong nỗ lực tìm kiếm thêm ủng hộ từ Liên Xô, Bắc Việt gửi phái đoàn do ông Lê Duẩn dẫn đầu đến Moscow tháng Hai 1964.

Theo cái nhìn từ Việt Nam, chuyến đi là một thất bại. Nếu ý định ban đầu là giải thích các quyết định đưa ra ở Hội nghị Chín và nhờ người Nga giúp đỡ cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam, thì ông Lê Duẩn đã rời Moscow mà không đạt được điều gì.

Quan hệ giữa hai nước đầu năm 1964 khá căng thẳng.

Ngày 27-7-1964, Liên Xô ra tuyên bố dọa từ nhiệm khỏi chức đồng chủ tịch hội nghị Geneva về Lào. Mặc dù lời đe dọa không được thực hiện, nhưng nó thể hiện sự lo ngại và bực bội của Moscow trước việc Bắc Việt quyết tâm theo đuổi chính sách dùng vũ trang thống nhất đất nước.

Từ lạnh nhạt sang đồng chí

Thế nhưng cũng từ giữa năm 1964, quan hệ Việt Xô bắt đầu đầm ấm trở lại.

Vì sao có diễn biến có vẻ trái ngược như vậy?

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng Tám 1964, theo Mari Olsen, đã làm biến đổi cái nhìn của Liên Xô về tầm quan trọng của Việt Nam.

Với viễn cảnh Mỹ trực tiếp đưa quân vào Việt Nam, Việt Nam nay trở thành trung tâm của mâu thuẫn Chiến tranh Lạnh.

Tàu USS Maddox ở vịnh Bắc Bộ 1964
Biến cố vịnh Bắc Bộ khiến Liên Xô thay đổi thái độ

Đến cuối năm 1964, Liên Xô đã trở thành nhà cung cấp quân sự và kinh tế chính cho Bắc Việt, và bỏ hẳn sự nhấn mạnh đến ngoại giao và thương lượng.

Trong vòng chưa đầy một năm, sự dính líu của Moscow tại Việt Nam đã đổi từ lạnh nhạt sang chủ động can dự.

Mari Olsen dẫn hai lý do chính khiến Bắc Việt nối lại quan hệ đồng minh với Liên Xô. Thứ nhất, viễn cảnh một cuộc chiến trực diện với Mỹ khiến Hà Nội nhận thấy họ phải dựa vào Liên Xô, chứ không phải Trung Quốc, để có khả năng quân sự.

Thứ hai, một sự phụ thuộc duy nhất vào Bắc Kinh sẽ khiến Hà Nội mất đi những lựa chọn khác trong hoàn cảnh chiến tranh. Bắc Kinh luôn từ chối việc xem xét khả năng đàm phán; trong khi Liên Xô nói họ có thể cân nhắc và thậm chí góp sức vào một giải pháp thương lượng cho tình hình Việt Nam nếu có thể.

Có ít nhất ba lý do khiến Moscow thay đổi quan điểm về Việt Nam.

Thứ nhất, Moscow nhận thấy họ là cường quốc duy nhất đủ khả năng hỗ trợ Bắc Việt trong cuộc đối đầu trực diện với một cuộc xâm lấn của Mỹ.

Thứ hai, quan hệ Liên Xô – Trung Quốc lúc này đã sụp đổ hoàn toàn. Nếu Moscow muốn duy trì sự kiểm soát tình hình ở Việt Nam, họ buộc phải dấn sâu nhiều hơn.

Thứ ba, nền chính trị ở Trung Quốc đã trở nên quá tả trong hai năm 1963, 1964 và Moscow lo ngại chiến lược mà Trung Quốc muốn Bắc Việt thực hiện sẽ hủy hoại cơ hội cho một kết quả mà Moscow muốn có tại Việt Nam.

…………………………………………………………

Tác phẩm Soviet – Vietnam Relations and the Role of China, 1949-64 của Mari Olsen, do NXB Routledge ấn hành năm 2006.

 

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/02/060224_soviet_vietnam.shtml

Thứ trưởng Lê Văn Bàng nói về Sách trắng Monday, Apr 16 2007 

Việt Nam đã lần đầu tiên ra Sách trắng về nhân quyền mang tên ‘Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam.’

Sách trắng điểm lại những thành tích Việt Nam đạt được trong 60 năm trong lĩnh vực nhân quyền kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Cuốn sách dày 80 trang được công bố một ngày trước kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Việt Nam đã tái khẳng định trong ấn phẩm đầu tiên về nhân quyền này rằng công dân Việt Nam được hưởng tất cả các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội và các quyền con người căn bản khác.

Sách trắng cũng đã chỉ trích mạnh mẽ một số nhóm vu cáo Việt Nam vi phạm các quyền dân sự, chính trị và các quyền tự do cá nhân. Trong số những nhóm có tên có ‘Qũy Người Thượng’ của ông Ksor Kok, tổ chức ‘Bảo vệ quyền làm người Việt Nam của ông Võ Văn Ái và tổ chức của ông Nguyễn Hữu Chánh.

Chương trình Phỏng vấn Hàng tuần tuần này có phỏng vấn dài với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Văn Bàng, người đã công bố Sách trắng của Việt Nam.

 

Ông Lê Văn Bàng nói rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu mà thế giới phải công nhận và chính các nhà ngoại giao ở Hà Nội đã thúc giục Việt Nam công bố những thành quả của mình.

Ông Bàng nói với BBC rằng mô hình chính trị một đảng hiện nay của Việt Nam đang ‘phát huy tác dụng’ và giữ được ổn định để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Phản ứng

Các nhà hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam đã không thực sự đánh giá cao Sách trắng vừa được công bố, một ấn phẩm mà nhà hoạt động Đoàn Viết Hoạt ở Washington nói rằng giống như ‘Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng.’

Ông Hoạt cũng nói chế độ chính trị hiện nay của Việt Nam khó có thể đảm bảo nhân quyền và dân quyền của người dân vì đây là chế độ ‘xin-cho’ và Đảng Cộng sản ở Việt Nam giữ quyền gọi là ban phát ở Việt Nam.

Trong một phỏng vấn với BBC, ông Hoạt cũng nói sở dĩ người dân tiến được như trong các năm vừa qua là do người dân được tự do hơn và nếu Việt Nam được thật sự tự do, xã hội Việt Nam sẽ còn tiến nhanh hơn rất nhiều.

Ông Hoạt cũng nói thêm rằng Việt Nam đã từng có bản hiến pháp cho người dân quyền lựa chọn lớn hơn đối với những người cầm quyền và cho phép các đảng phái không phải Đảng Cộng sản tham gia chính phủ đó là bản Hiến Pháp năm 1946.

Trong khi đó một học giả Việt Nam có tiếng, Tiến sỹ chính trị học Tạ Văn Tài nói rằng trong lịch sử xa xưa, Việt Nam đã tôn trọng quyền con người.

Điều này thể hiện qua chuyện thậm chí con cái nhà nghèo cũng được đi học dưới thời phong kiến và phụ nữ lấy chồng không phải đổi họ.

Tiến sỹ Tạ Văn Tài cũng nói hiện trên thế giới không có nước nào có âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam và nỗi sợ của chính phủ hiện nay có vẻ hơi quá mức.

Ông cũng nói thêm, trong một thế giới toàn cầu hóa, chuyện đòi quốc tế không can thiệp vào công việc nội bộ cũng không hẳn đã khôn ngoan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2005/08/050819_white_paper.shtml

Next Page »