Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam ở Học viện Quốc phòng Úc
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam ở Học viện Quốc phòng Úc

Tuần này (Từ 11 đến 16-3) Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Hoa Kỳ.

Một trong những điểm gây chú ý đối với không ít người là thời điểm diễn ra chuyến thăm này diễn ra ngay sau việc nhà chức trách Việt Nam tỏ ra mạnh tay với một số nhân vật bất phục chế độ vốn đã lên tiếng từ lâu.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam ở Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng chính quyền Việt Nam gần đây tỏ ra khéo léo hơn trong việc kiểm soát chính trị.

Carl Thayer: Theo tôi, sự kiểm soát chính trị ở Việt Nam đã trở nên khéo léo hơn, và tính đến phản ứng của quốc tế; họ quan tâm hơn liệu những việc họ làm có thể được phản ánh ở nước ngoài như thế nào. Thỉnh thoảng, khi có những người như Linh mục Nguyễn Văn Lý trở nên chủ động hơn, hoặc muốn vượt thoát ra giới hạn cho phép, khi ấy chính quyền sẽ có hành động.

 Phong trào dân chủ khó có sức hấp dẫn ở VN bởi giới trung lưu chưa cảm thấy bị áp bức

Giáo sư Carl Thayer

Từ những gì đã diễn ra, ta có thể rút ra bài học. Những người trong khối 8406 đang gặp phải một số rắc rối. Lần đầu tiên kể từ năm 1975 ở Việt Nam mới lại có một mạng lưới lớn rải khắp đất nước, với hàng ngàn người ủng hộ, thậm chí số lượng có thể lớn hơn. Nên hiện nay chính quyền đang bắt những lãnh đạo nổi bật, cắt đứt liên lạc của họ với ngoài nước, đồng thời để ý đến phản ứng của quốc tế để từ đó chính quyền có thể điều chỉnh hành động.

BBC:Trong thời gian qua, tại Việt Nam đã có sự khôi phục lại những hoạt động đòi dân chủ có tổ chức hơn. Nhưng mặt khác, ông có nghĩ là các nhóm phản kháng đang cần một chiến lược khác thì mới có thể hiệu quả hơn?

Carl Thayer: Tôi nghĩ, một điều rõ rệt là phần lớn những chỉ trích của phe bất đồng chính kiến thì đôi khi cũng đã được nói ra bên trong Đảng. Vấn đề thực sự là làm thế nào người ta tiến hành sự giải phóng chính trị.

Chính quyền Việt Nam sẽ làm điều đó bằng cách tăng số lượng người ngoài đảng tại Quốc hội, cho phép Quốc hội được chỉ trích nhiều hơn, đồng thời kiểm soát báo chí để họ đưa những tin đã được đảng đồng ý.

Tôi không nghĩ là phong trào dân chủ lại có một sức hấp dẫn nào ở Việt Nam. Trong tầng lớp trung lưu không có hẳn một tập hợp cử tri cảm thấy họ bị áp bức, hay số lượng những cảm tình viên chịu tác động của phong trào dân chủ cũng không lớn. Hiện nay, họ truyền thông điệp, kêu gọi qua internet và chỉ có những người sống ở thành thị là biết đến.

BBC:Như vậy theo ý ông, bất kì một sự thay đổi lớn nào cũng sẽ đến từ bên trong chính thể, chứ không phải từ những người bất đồng chính kiến.

Carl Thayer: Sẽ chẳng có thay đổi lớn đâu, vì tôi nghĩ chính thể sợ họ sẽ không kiểm soát được. Họ vẫn nhớ và lo ngại những sự kiện ở Đông Âu cuối thập niên 1980.

 Có lẽ 20 năm nữa thì sẽ có 40% người ngoài đảng tranh cử ngồi ghế quốc hội

Nhưng chính quyền nhận thức được rằng họ phải mở cửa và từ cái nhìn của họ, thì họ đã có những biện pháp quan trọng để tăng cường tính minh bạch, thí dụ như buổi đối thoại qua internet của Thủ tướng Việt Nam. Trong thời gian trước Đại hội X, Đảng cũng để người dân tranh luận ở mức độ nhất định về dân chủ, về chế độ một đảng. Các đảng viên cũng đã được phép làm kinh tế tư nhân.

Thế nên, sự thay đổi mang tính tiệm tiến, theo cái nghĩa là Đảng không chặn đứng sự thay đổi, họ bảo trợ cho thay đổi nhưng theo một cách được kiểm soát.

BBC:Như vậy, với tư cách là một nhà nghiên cứu chính trị, ông có dự đoán là bao lâu nữa thì mới có sự thay đổi lớn trong nền chính trị Việt Nam?

Carl Thayer: Nghĩ đến 10 năm tới, ta thấy có hai đại hội Đảng, hai cuộc tổng tuyển cử, và lịch sử có thể mách bảo vài điều. Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng đổi tên thành Đảng Lao Động và sau đó đổi lại thành Đảng Cộng sản. Vào thập niên 1990, một số người đề nghị đảng nên đổi tên để phản ánh hiện tại. Sau 20 năm nữa, cái tên Đảng Cộng sản có lẽ không còn ý nghĩa gì nữa, nó trở thành biểu tượng của quá khứ. Đảng khi ấy có thể giữ định hướng chủ nghĩa xã hội bằng cách đổi tên thành một đảng dân chủ xã hội.

Hiện nay đã có nỗ lực phân chia trách nhiệm giữa đảng và nhà nước, cho Quốc hội kiểm soát nhiều hơn việc làm luật. Tôi đoán trong tương lai sẽ có thêm nhiều hơn các nghị sĩ tự ứng cử, và những nghị sĩ ngoài đảng. Lần này họ nhắm đến tỉ lệ 20% người ngoài đảng, và 20 năm nữa, chúng ta có thể nghĩ đến tỉ lệ 40% .

 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/03/070312_thayerondemocracy.shtml